Ra tòa ly hôn cần những giấy tờ gì?
I. Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;
- Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000;
- Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011
II. Ý kiến tư vấn
1. Những giấy tờ cần chuẩn bị cho thủ tục ly hôn
1.1. Thẩm quyền giải quyết ly hôn: Căn cứ quy định tại điều 27, điều 33 và điều 35 của Bộ Luật Tố tụng dân sự thì:
- Trường hợp thuận tình ly hôn: Nộp đơn tại TAND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh nơi cư trú, làm việc của một trong hai bên vợ hoặc chồng.
- Trường hợp đơn phương ly hôn: Nộp đơn tại TAND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh nơi người chồng đang cư trú có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm yêu cầu ly hôn của người vợ (và ngược lại). Tuy nhiên, hai vợ chồng có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi cư trú, làm việc của người vợ giải quyết.
1.2. Về các giấy tờ cần thiết để nộp tòa án:
+ Đơn xin ly hôn;
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính).
+ Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu của vợ, chồng (bản sao có thị thực).
+ Giấy khai sinh của con chung (bản sao có thị thực).
+ Giấy tờ chứng nhận về quyền sở hữu tài sản (trong trường hợp có yêu cầu tòa án chia tài sản chung.)
2. Các vấn đề liên quan đến con cái:
Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định như sau: Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Việc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra theo phương pháp khoa học do Chính phủ quy định”.
Theo đó, mục 5 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP thì khi có người yêu cầu Tòa án xác định người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ; về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gien. Người có yêu cầu giám định gien phải nộp lệ phí giám định gien.
Như vậy, mọi đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân đều được pháp luật công nhận là con chung của cả hai vợ chồng. Trong trường hợp bạn không thừa nhận con thì bạn phải làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn đang thường trú. Kèm theo đơn bạn phải cung cấp các chứng cứ cho Tòa án để Tòa án xem xét việc từ chối nhận con của bạn là có cơ sở.
Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ, cụ thể là:
1. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên; không được xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Như vậy, trong trường hợp hai vợ chồng có kết hôn hợp pháp, con sinh ra không phải là con của người cha nhưng người cha vẫn phải có trách nhiệm chăm sóc, yêu thương, nuôi dưỡng.
3. Chia tài sản và nghĩa vụ của vợ chồng khi ly hôn:
Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định:
1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.
2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây: Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết
Trên đây là ý kiến tư vấn mang tính chất tham khảo.
Thư Viện Pháp Luật