Hủy đăng ký chứng khoán được quy định như thế nào?
Theo Điều 7 Thông tư 119/2020/TT-BTC quy định về hủy đăng ký chứng khoán như sau:
1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hủy đăng ký chứng khoán trong các trường hợp sau:
a) Công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm đến thời gian đáo hạn;
b) Công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp được tổ chức phát hành mua lại trước thời gian đáo hạn;
c) Tổ chức phát hành thực hiện giảm vốn, giải thể, phá sản hoặc bị chấm dứt tồn tại do tổ chức lại doanh nghiệp;
d) Tổ chức phát hành hoán đổi cổ phiếu, công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp;
đ) Cổ phiếu của doanh nghiệp cổ phần hóa không phải là công ty đại chúng bị hủy niêm yết, hủy đăng ký giao dịch và doanh nghiệp có yêu cầu hủy đăng ký chứng khoán;
e) Chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng quyền có bảo đảm hủy niêm yết;
g) Quỹ hoán đổi danh mục giải thể;
h) Chứng khoán của các công ty đại chúng đã đăng ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam nhưng không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng và công ty có yêu cầu hủy đăng ký;
i) Tổ chức phát hành, công ty đại chúng đăng ký chứng khoán theo thỏa thuận với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tự nguyện hủy đăng ký chứng khoán;
k) Hủy đăng ký số công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương do nhà tạo lập thị trường, nhà đầu tư không thanh toán tiền mua; hủy công cụ nợ của Chính phủ do đáo hạn hợp đồng đảm bảo thanh khoản giữa Kho bạc Nhà nước và nhà tạo lập thị trường, nhà đầu tư.
2. Việc hủy đăng ký chứng khoán thực hiện theo quy chế về hoạt động đăng ký chứng khoán.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật