Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ của công ty chứng khoán được quy định thế nào?

Liên quan đến quy định của pháp luật về hoạt động của công ty chứng khoán cho hỏi: Theo quy định thì Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ của công ty chứng khoán được quy định ra sao? Văn bản nào quy định?

Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ của công ty chứng khoán được quy định tại Điều 9 Thông tư 121/2020/TT-BTC, cụ thể như sau:

1. Công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện các quy định dưới đây:

a) Trưởng Ban kiểm soát của công ty chứng khoán không được đồng thời là thành viên Ban kiểm soát hoặc người quản lý của công ty chứng khoán khác;

b) Ban kiểm soát phải xây dựng quy trình kiểm soát và phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên thông qua;

c) Đối với Ban kiểm soát có từ 02 thành viên trở lên, Ban kiểm soát phải họp tối thiểu 02 lần trong một năm. Biên bản họp phải được ghi chép trung thực, đầy đủ nội dung họp và phải được lưu giữ theo quy định;

d) Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) vi phạm pháp luật, Điều lệ công ty, dẫn đến xâm phạm quyền và lợi ích của công ty, cổ đông, Chủ sở hữu hoặc khách hàng, Ban kiểm soát có trách nhiệm yêu cầu giải trình trong thời gian nhất định hoặc đề nghị triệu tập Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu để giải quyết. Đối với các vi phạm pháp luật, Ban kiểm soát phải báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện vi phạm.

2. Công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ các quy định dưới đây:

a) Đánh giá độc lập về sự phù hợp và tuân thủ các chính sách pháp luật, Điều lệ, các quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên;

b) Kiểm tra, xem xét và đánh giá sự đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ trực thuộc Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) nhằm hoàn thiện hệ thống này;

c) Đánh giá việc tuân thủ của hoạt động kinh doanh đối với các chính sách và quy trình nội bộ;

d) Tham mưu thiết lập các chính sách và quy trình nội bộ;

đ) Đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật, kiểm soát các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản;

e) Đánh giá kiểm toán nội bộ thông qua thông tin tài chính và thông qua quá trình kinh doanh;

g) Đánh giá quy trình xác định, đánh giá và quản lý rủi ro kinh doanh;

h) Đánh giá hiệu quả của các hoạt động;

i) Đánh giá việc tuân thủ các cam kết trong hợp đồng;

k) Thực hiện kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin;

l) Điều tra các vi phạm trong nội bộ công ty chứng khoán;

m) Thực hiện kiểm toán nội bộ công ty chứng khoán và các công ty con của công ty chứng khoán.

3. Hoạt động kiểm toán nội bộ phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Tính độc lập: bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập với các bộ phận khác của công ty chứng khoán, kể cả ban điều hành; hoạt động kiểm toán nội bộ độc lập với các hoạt động điều hành, nghiệp vụ của công ty chứng khoán; cán bộ làm công tác kiểm toán nội bộ không được đảm nhận các công việc thuộc đối tượng của kiểm toán nội bộ, không được kiêm nhiệm công việc tại các bộ phận nghiệp vụ như môi giới, tự doanh, phân tích, tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành, quản trị rủi ro;

b) Tính khách quan: bộ phận kiểm toán nội bộ, nhân viên bộ phận kiểm toán nội bộ phải đảm bảo tính khách quan, công bằng, không định kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Công ty chứng khoán phải bảo đảm kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào khi thực hiện đúng nhiệm vụ của mình;

Nhân viên kiểm toán nội bộ phải thể hiện tính khách quan trong quá trình thu thập, đánh giá và truyền đạt thông tin về hoạt động hoặc các quy trình, hệ thống đã hoặc đang được kiểm toán. Kiểm toán viên nội bộ cần đưa ra đánh giá một cách công bằng về tất cả các vấn đề liên quan và không bị chi phối bởi mục tiêu quyền lợi riêng hoặc bởi bất kỳ ai khác khi đưa ra nhận xét, đánh giá của mình;

c) Tính trung thực: kiểm toán viên nội bộ phải thực hiện công việc của mình một cách trung thực, cẩn trọng và có trách nhiệm; tuân thủ luật pháp và thực hiện các nội dung công việc công khai theo quy định của pháp luật và nghề nghiệp;

d) Bảo mật: nhân viên bộ phận kiểm toán nội bộ cần tôn trọng giá trị và quyền sở hữu của thông tin nhận được, không được tiết lộ thông tin mà không có ủy quyền hợp lệ trừ khi có nghĩa vụ phải tiết lộ thông tin theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của công ty.

4. Nhân sự của bộ phận kiểm toán nội bộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Người làm việc bộ phận này không phải là người đã từng bị xử phạt từ mức phạt tiền trở lên đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm trong vòng 05 năm gần nhất tính tới năm được bổ nhiệm;

b) Trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ phải là người có trình độ chuyên môn về luật, kế toán, kiểm toán; Có đủ kinh nghiệm, uy tín, thẩm quyền để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao;

c) Không phải là người có liên quan đến các trưởng bộ phận chuyên môn, người thực hiện nghiệp vụ, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc chi nhánh trong công ty chứng khoán;

d) Có chứng chỉ chuyên môn Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc Chứng chỉ hành nghề chứng khoán, và chứng chỉ chuyên môn Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

đ) Không kiêm nhiệm các công việc khác trong công ty chứng khoán.

Trân trọng.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Công ty chứng khoán

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào