Phạm vi, yêu cầu kiểm tra trực tiếp hoạt động dịch vụ kế toán như thế nào?
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 09/2021/TT-BTC (Có hiệu lực từ 01/04/2021) thì nội dung này được quy định như sau:
1. Phạm vi kiểm tra định kỳ hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán bao gồm tình hình tuân thủ pháp luật về đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan trong quá trình cung cấp dịch vụ kế toán của đối tượng được kiểm tra. Trong đó:
a) Các tài liệu, hồ sơ liên quan đến nội dung kiểm tra về tình hình tuân thủ pháp luật về đăng ký và duy trì điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán của các đối tượng được kiểm tra bao gồm: tài liệu liên quan đến hồ sơ đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán và điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán của đối tượng được kiểm tra và các tài liệu khác có liên quan đến nội dung kiểm tra;
b) Các hồ sơ, tài liệu về tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan trong quá trình hành nghề, kinh doanh dịch vụ kế toán của đối tượng được kiểm tra đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ kế toán đã hoàn thành hoặc các phần công việc của hợp đồng cung cấp dịch vụ kế toán đã hoàn thành được tính từ khi thành lập doanh nghiệp hoặc từ lần kiểm tra trước đến thời điểm kiểm tra.
2. Phạm vi kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán được nêu trong Quyết định kiểm tra.
3. Yêu cầu của quá trình kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán
a) Tuân thủ các quy định của pháp luật kế toán;
b) Đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm tra;
c) Tuân thủ các yêu cầu về bảo mật theo quy định của pháp luật về kế toán, chuẩn mực nghề nghiệp;
d) Các nội dung đánh giá, kết luận trong Biên bản kiểm tra phải được nêu rõ ràng trên cơ sở xem xét, đánh giá và xét đoán chuyên môn của Đoàn kiểm tra. Kết luận kiểm tra về các hạn chế, sai sót của đối tượng được kiểm tra phải có bằng chứng thích hợp chứng minh.
Trân trọng!