Tù chung thân có phải ngồi tù cả đời hay không?
Căn cứ Điều 39 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. Không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Theo Khoản 1, 2, 3 Điều 63 Bộ luật này thì:
1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.
2. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.
Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.
3. Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.
Từ quy định trên có thể thấy, tù chung thân không hẳn là phải ngồi tù cả cuộc đời còn lại mà có thể được thả tự do khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định (12 năm);
- Có nhiều tiến bộ;
- Đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự.
Như vậy, một người bị kết án tù chung thân nếu cải tạo tốt và đáp ứng đủ các điều kiện khác thì có thể xem xét giảm án xuống và họ chỉ cần chấp hành đủ 20 hoặc 25 năm là được về đoàn tụ với gia đình, đây là chính sách nhân đạo của nhà nước ta.
Trân trọng!
Lê Bảo Y