Người phải thi hành án tự bán tài sản đã kê biên để thanh toán tiền nợ vay thế chấp có đúng không?

Tôi là người được thi hành án. Thi hành án thị xã Tây Ninh đã tiến hành kê biên tài sản của bà T (người phải thi hành án) vào tháng 08/2010. Sau khi kê biên, thi hành án thị xã Tây Ninh lại không tiến hành định giá để bán đấu giá. Sau nhiều lần tôi thắc mắc thì thi hành án thị xã trả lời tài sản của bà T đang thế chấp ngân hàng. Tháng 05/2011, tôi phát hiện bà T đã tiến hành công chứng bán đất mà thi hành án thị xã kê biên cho người khác, tôi liền báo cho THA thị xã biết thì THA thị xã trả lời tôi như sau: Ngân hàng đã đồng ý cho bà T tự bán tài sản mà bà đã thế chấp để trả nợ ngân hàng chứ ngân hàng không bán đấu giá như thông báo. Sau đó, thi hành án thị xã có quyết định giải tỏa kê biên đối với tài sản của bà T và có văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép bà T làm thủ tục sang nhượng đất cho người mua. Họ trả đơn yêu cầu thi hành án của tôi vì lý do bà T hết tài sản. Xin hỏi: 1/ Thi hành án thị xã tây ninh cho rằng bà T được quyền tự bán tài sản để trả nợ ngân hàng theo Nghị định 163/2006 như vậy có đúng không? 2/ Sau khi bà T tự bán tài sản thế chấp cho ngân hàng (cũng là tài sản đang bị kê biên để THA) để trả nợ cho ngân hàng thì tài sản này thuộc quyền của bà T hay tài sản của người mua (khi bà T ra công chứng bán đất cho người mua thì tài sản phần đất này đang bị THA kê biên? 3/ Bây giờ tôi phải làm vì để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình? Tôi có quyền yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng công chứng mua bán đất giữa bà T với người mua không? Hay là yêu cầu THA thị xã tiếp tục xử lý tài sản của Bà T (bị kê biên trên) để thi hành án cho tôi?

Trường hợp ông hỏi, do không có hồ sơ cụ thể nên chúng tôi không khẳng định việc bán tài sản của bà T đúng hay sai. Tuy nhiên, theo nội dung ông nêu thì chúng tôi trao đổi, phân tích, đánh giá ở hai trường hợp sau đây:

Thứ nhất, nếu tài sản đang thế chấp mà cơ quan thi hành án đã kê biên để đảm bảo thi hành án lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp tài sản đó và bà T không có tài sản khác, thì cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức bán đấu giá công khai tài sản nêu trên, trừ trường hợp có sự thỏa thuận thống nhất của các đương sự và những người có liên quan (trong đó có ông là người được thi hành án). Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự thì trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này. Số tiền bán tài sản sau khi trừ chi phí cưỡng chế, ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được thế chấp, được thanh tóan cho người được thi hành án.

Do vậy, nếu bà T tự bán tài sản thế chấp đã kê biên không được sự đồng ý của ông, của cơ quan thi hành án, không dùng số tiền còn lại sau khi thanh toán tiền cho ngân hàng để thi hành án cho ông thì đó là hành vi trái pháp luật, ông có quyền đề nghị cơ quan đã công chứng hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất hủy bỏ việc công chứng đó và đề nghị cơ quan thi hành án xử lý tài sản đó để thi hành án.

Thứ hai, nếu tài sản thế chấp nhỏ hơn nghĩa vụ được bảo đảm, chi phí cưỡng chế thi hành án và bà T có tài sản khác để thi hành án cho ông, thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo quy định tại Nghị đình số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/1996 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Việc xử lý tài sản này thực hiện theo phương thức xử lý tài sản bảo đảm thỏa thuận tại giao dịch bảo đảm đối với tài sản đó, trong đó có thể có việc bà T được quyền bán tài sản để trả nợ cho ngân hàng.

 

 

 

 

 

 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Kê biên tài sản

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào