Dùng dao chém hàng xóm thương tật 10% có bị truy cứu TNHS không?
Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 (sửa đổi Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015) quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
- Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
- Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
- Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
.....
Căn cứ theo quy định nêu trên, trường hợp gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ tổn thương dưới 11% nhưng sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm thì vẫn bị truy cứu TNHS.
Mà theo Mục 2 Phần 1 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP có quy định như sau:
"Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
a. Về công cụ, dụng cụ
Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...
b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra
Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...
c. Về vật có sẵn trong tự nhiên
Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...
Trên tinh thần của quy định này, có thể thấy việc sử dụng dao để chém vào người khác là đang dùng hung khí nguy hiểm.
=> Như vậy, trường hợp anh dùng dao để chém hàng xóm thương tật 10% thì có thể bị truy cứu TNHS về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật