Quy định về nguyên tắc kế toán tiền mặt của nghiệp vụ thi hành án dân sự
Nguyên tắc kế toán tiền mặt của nghiệp vụ thi hành án dân sự được quy định tại Thông tư 78/2020/TT-BTC, cụ thể như sau:
1- Nguyên tắc kế toán
1.1- Tài khoản này dùng để hạch toán các khoản tiền mặt, ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý và các chứng chỉ có giá nhập, xuất, tồn quỹ trong quá trình thi hành án.
1.2- Chỉ phản ánh vào Tài khoản 111 số tiền mặt, ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý mà cơ quan có thẩm quyền đã xác định được giá trị, chứng chỉ có giá (sau đây gọi tắt là tiền mặt) thực tế nhập, xuất quỹ.
1.3- Kế toán quỹ tiền mặt phải phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác số hiện có, tình hình biến động các loại tiền mặt phát sinh trong quá trình thi hành án, luôn đảm bảo khớp đúng giữa số liệu trên sổ kế toán với số liệu trên sổ quỹ, giữa số liệu trên sổ kế toán, sổ quỹ với số tiền thực tế trong quỹ. Mọi chênh lệch phát sinh phải xác định nguyên nhân và báo cáo với thủ trưởng cơ quan Thi hành án biết và kiến nghị biện pháp xử lý số chênh lệch đó.
1.4- Khi nhập, xuất quỹ tiền mặt phải căn cứ Phiếu thu, Phiếu chi. Phiếu thu, Phiếu chi phải có đủ chữ ký theo quy định của pháp luật về kế toán.
1.5- Kế toán tiền mặt phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trong chế độ quản lý lưu thông tiền tệ hiện hành và các quy định về thủ tục thu, chi, nhập quỹ, xuất quỹ và kiểm kê quỹ tiền mặt.
2- Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 111- Tiền mặt
Bên Nợ: Ghi số tiền mặt, ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý và chứng chỉ có giá nhập quỹ.
Bên Có: Ghi số tiền mặt, ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý và chứng chỉ có giá xuất quỹ.
Số dư Nợ: Các khoản tiền mặt, ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý và chứng chỉ có giá còn tồn quỹ.
Tài khoản 111- Tiền mặt có 4 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1111- Tiền Việt Nam: Phản ánh tình hình thu, chi, tồn quỹ tiền mặt bằng đồng Việt Nam (không bao gồm số tiền niêm phong gửi Kho bạc);
- Tài khoản 1112- Ngoại tệ: Phản ánh tình hình thu, chi, tồn quỹ ngoại tệ (theo nguyên tệ và đồng Việt Nam);
- Tài khoản 1113- Vàng, bạc, đá quý: Phản ánh tình hình thu, chi, tồn quỹ vàng, bạc, đá quý phát sinh trong quá trình thi hành án (không bao gồm số vàng, bạc, đá quý tạm giữ còn trong túi niêm phong hoặc không xác định được giá trị (vật chứng vụ án) khi chưa có quyết định xử lý);
- Tài khoản 1114- Chứng chỉ có giá: Phản ánh tình hình thu, chi, tồn quỹ các chứng chỉ có giá tại cơ quan Thi hành án (bao gồm cả chứng chỉ có giá do đơn vị gửi tiết kiệm trong một số trường hợp được phép theo quy định).
Mong sớm nhận hồi đáp.
Thư Viện Pháp Luật