Quy định về báo cáo tài chính và báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự được quy định ra sao?
Báo cáo tài chính và báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự quy định tại Điều 12 Thông tư 78/2020/TT-BTC, cụ thể như sau:
1. Trách nhiệm lập, nộp báo cáo
Các cơ quan Thi hành án dân sự các cấp phải chịu trách nhiệm lập báo cáo theo định kỳ và nộp cho đơn vị cấp trên trực tiếp và đơn vị dự toán theo quy định.
Cơ quan Thi hành án dân sự cấp trên phải có trách nhiệm tổng hợp số liệu báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự và lập báo cáo tổng hợp từ số liệu của các đơn vị trực thuộc theo quy định.
Cơ quan Thi hành án dân sự các cấp phải thực hiện tổng hợp số liệu để lập báo cáo tài chính của đơn vị từ số liệu báo cáo tài chính của đơn vị dự toán lập theo quy định chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC và báo cáo tài chính của kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự lập theo quy định tại Thông tư này.
Danh mục các báo cáo định kỳ, phương pháp tổng hợp số liệu báo cáo tài chính được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục số 04 Thông tư này.
2. Mục đích của báo cáo
a) Báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự dùng để cung cấp thông tin về tình hình quản lý tiền, tài sản, vật chứng; tình hình thanh toán trong nội bộ và bên ngoài của các cơ quan Thi hành án dân sự và tình hình tài chính khác, nhằm cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền của nhà nước.
b) Báo cáo tài chính nhằm cung cấp thông tin tài chính cho cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có liên quan để xem xét về các hoạt động của đơn vị liên quan đến tài sản, nguồn vốn cơ quan Thi hành án được giao quản lý. Đồng thời là thông tin cơ sở để cung cấp cho đơn vị kế toán cấp trên tổng hợp báo cáo tài chính hàng năm theo quy định nhằm phản ánh đầy đủ tài sản, nguồn vốn mà nhà nước giao cho đơn vị quản lý.
3. Nguyên tắc lập báo cáo
a) Việc lập báo cáo phải được căn cứ vào số liệu kế toán sau khi khóa sổ kế toán. Báo cáo phải được lập đúng nguyên tắc, nội dung, phương pháp theo quy định và được trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán, trường hợp báo cáo được trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do.
b) Báo cáo phải có chữ ký của người lập, Kế toán trưởng và Thủ trưởng đơn vị hoặc người được ủy quyền. Người ký báo cáo phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo theo quy định của pháp luật.
4. Yêu cầu của báo cáo
a) Báo cáo phải được phản ánh một cách trung thực, khách quan về nội dung và giá trị các chỉ tiêu báo cáo; trình bày theo một cấu trúc chặt chẽ, có hệ thống về tình hình tiền, tài sản, vật chứng; tình hình thanh toán trong nội bộ và bên ngoài của các cơ quan Thi hành án dân sự và tình hình tài chính khác của đơn vị.
b) Báo cáo phải được lập kịp thời, đúng thời gian quy định đối với từng đơn vị, trình bày rõ ràng, dễ hiểu, chính xác thông tin, số liệu kế toán.
c) Thông tin, số liệu báo cáo phải được phản ánh liên tục, số liệu của kỳ này phải kế tiếp số liệu của kỳ trước.
5. Kỳ hạn lập báo cáo
a) Đối với báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự: Đơn vị lập theo kỳ quý, năm (30/9 hàng năm) hoặc theo yêu cầu quản lý của cơ quan có thẩm quyền.
b) Đối với báo cáo tài chính:
- Đơn vị phải lập Báo cáo tài chính tại thời điểm kết thúc kỳ kế toán năm (30/9) theo quy định, nộp cho cơ quan cấp trên cùng với báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự.
- Ngoài ra còn phải lập báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12 hàng năm nộp cho đơn vị dự toán để tổng hợp báo cáo tài chính chung của cơ quan Thi hành án các cấp nộp cho đơn vị cấp trên trực tiếp.
c) Danh mục, mẫu báo cáo, nơi nhận, thời hạn nộp, giải thích nội dung và phương pháp lập báo cáo thực hiện theo quy định tại Phụ lục số 04 “Hệ thống báo cáo” ban hành kèm theo Thông tư này.
6. Hình thức gửi báo cáo
Báo cáo gửi cho cơ quan có thẩm quyền có thể được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử tùy theo điều kiện thực tế và yêu cầu của cơ quan nhận báo cáo.
Trân trọng.
Thư Viện Pháp Luật