Cách tính phí thi hành án khi được trả lại tiền tranh chấp
Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC thì:
Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận.
Về nguyên tắc, đối với khoản tiền thi hành án mà chị nhận được 375 triệu nếu đóng phí thi hành án sẽ đóng ở mức 3%.
Tuy nhiên, căn cứ vào thời điểm chị nhận tiền mà mức đóng sẽ khác nhau, cụ thể:
- Nếu chị nhận được tiền bên phải thi hành án tự nguyện trả trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án thì chị không phải đóng tiền thi hành án. (Khoản 8 Điều 6 Thông tư 216/2016/TT-BTC, Khoản 19 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014);
- Nếu chị nhận được tiền bên kia trả khi đã hết thời gian tự nguyện thi hành án nhưng cơ quan thi hành án chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án hoặc đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng chưa thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì chị phải nộp 1/3 mức phí thi hành án dân sự tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC nêu trên (Khoản 4 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC).
- Trường hợp chị nhận được tiền trên sau khi cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền hoặc đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì chị phải nộp 100% mức phí thi hành án dân sự theo Điểm a Khoản 1 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC nêu trên (Khoản 5 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC).
Theo thông tin chị cung cấp, chị nhận được toàn bộ số tiền gốc và lãi do bên kia tự nguyện trả ngay sau khi có quyết định thi hành án nên chị không phải đóng phí thi hành án.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật