Có phải ra quyết định cưỡng chế thi hành án không?

Ông Nguyễn Văn A và bà Nguyễn Thị B thế chấp tài sản quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng để vay Ngân hàng 500.000.000đ đến thời hạn ông A và bà B không trả Ngân hàng. Phần quyết định bản án tuyên ông A phải trả 500.000.000đ cho Ngân hàng, cơ quan thi hành án cưỡng chế xử lý tài sản thế chấp của ông A và bà B. Sau khi xử lý xong tài sản của ông A và bà B trả cho Ngân hàng còn dư 400.000.000đ, số tiền còn lại đang nằm trong tài khoản tạm gửi của cơ quan thi hành án. Tại một bản án khác bà Nguyễn Thị B và ông Nguyễn Văn A thế chấp thế chấp tài sản quyền sử dụng đất là tài sản chung vợ chồng để vay Ngân hàng 1.000.000.000đ. Phần quyết định của bản án tuyên bà Nguyễn Thị B phải trả cho Ngân hàng 1.000.000.000đ, khi cưỡng chế xử lý tài sản đảm bảo của bà B và ông A không đủ, chấp hành viên đề xuất làm thủ tục trích chuyển số tiền bán tài sản của bà B còn dư là tài sản chung của vợ chồng 50% là 200.000.000đ theo Luật Hôn nhân gia đình cho các quyết định thi hành án mà bà B phải thi hành theo Điều 47 Luật Thi hành án. Trong quá trình phân phối tiền thi hành án có nhiều ý kiến của chấp hành viên khác nhau: - Ý kiến thứ nhất: Chỉ cần làm thủ tục trích chuyển tiền của bà B sang trả cho quyết định thi hành án khác mà bà B phải thi hành án là được theo Điều 47 Luật Thi hành án . - Ý kiến thứ hai: Phải ra quyết định cưỡng chế theo Điều 76 hoặc Điều 83 Luật Thi hành án chuyển số tiền 200.000.000đ sang quyết định thi hành án mà bà B phải thi hành.

Do nội dung tình tiết trong câu hỏi không cụ thể, như: thu và chi trả tiền theo bản án thứ nhất so với bản án thứ hai như thế nào, vì sao chậm trả lại phần tiền dư (400.000.000 đồng) cho vợ chồng ông A sau khi đã thanh toán tiền thi hành án cho bản án thứ nhất ? Việc thi hành hai bản án có cùng thời điểm không, có cùng một Chấp hành viên hoặc một cơ quan thi hành án thi hành đồng thời hai bản án, áp dụng biện pháp cưỡng chế xử lý quyền sử dụng đất theo bản án thứ nhất đồng thời để đảm bảo thi hành án cho bản án thứ hai không v.v.

Vì vậy, chúng tôi nêu ra giả thiết thành hai trường hợp:

- Trường hợp thứ nhất: Nếu việc cưỡng chế xử lý tài sản theo bản án thứ nhất, đồng thời để đảm bảo cho bản án thứ hai, thì Chấp hành viên làm thủ tục trích chuyển tiền của bà B sang trả cho bản án thứ hai, vì số tiền thu được từ bán tài sản thế chấp ở bản án thứ nhất đã được cưỡng chế để đảm bảo cho bản án thứ hai.

Tất nhiên, do số tiền 400.000.000 đồng là tài sản chung của vợ chồng, nhưng theo bản án thứ hai thì nghĩa vụ thi hành án chỉ của một người (bà B), do đó cơ quan thi hành án phải xác định phần tài sản của bà B trong khối tài sản chung theo quy định tại đoạn 3 khỏan 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự: “Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ”.

- Trường hợp thứ hai: Đây là hai việc thi hành án do các Chấp hành viên hoặc các cơ quan thi hành án khác nhau thực hiện độc lập nhau, thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự. Số tiền đã thanh toán xong cho bản án thứ nhất, mới phát sinh bản án thứ hai thì Chấp hành viên hoặc cơ quan thi hành án khác muốn thu số tiền của bà B còn thừa sau khi đã thanh toán cho bản án thứ nhất thì phải áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự. Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau: Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án.

Do pháp luật hiện nay quy định chưa cụ thể, rạch ròi từng trường hợp cụ thể, vì thế trường hợp bạn hỏi nếu cùng một cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành hai bản án nêu trên và khi chưa thi hành xong bản án thứ nhất thì có bản án thứ hai, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cần phân công 01 Chấp hành viên thi hành cả hai bản án hoặc nhiều Chấp hành viên thi hành thì phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình thi hành án để áp dụng một biện pháp cưỡng chế là thu được tiền để thi hành án cho cả hai bản án. Trong trường hợp tương tự như bạn hỏi, thực tế thi hành án có thể có trường hợp không phải bàn luận nhiều về mặt lý luận có hay không áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu số tiền còn thừa đó. Ví dụ, cơ quan thi hành án dân sự mời đương sự đến thỏa thuận thuận nhất, lập biên bản nội dung theo hướng người phải thi hành án tự nguyện nộp số tiền 200.000.000 đồng để thi hành án, nên không phải cưỡng chế thi hành án, giảm bớt thủ tục hành chính và chặt chẽ trong việc thể hiện đương sự tự nguyện thi hành án.

 

 

 

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào