Thỏa thuận thi hành án phải đúng pháp luật

Chấp hành viên A tổ chức thi hành quyết định THA số 45/QĐ-THA, ngày 12/10/2010 với nội dung ông Nguyễn Văn A trả cho bà B 50 chỉ vàng 24kara. Chấp hành viên đã làm đúng thủ tục và xác minh tài sản của ông A có diện tích đất thổ cư là 5.000m2. Sau đó Chấp hành viên cho ông A và bà B thỏa thuận như sau: Bà B được sử dụng 2.000m2 đất của ông A trong thời hạn là 05 năm và cũng trong thời hạn này ông A phải có nghĩa vụ thanh toán số vàng trả nợ cho bà B, nếu sau 05 năm mà ông A không trả đủ số vàng cho bà B thì bà B có quyền đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký và đứng tên quyền sử dụng đất diện tích 2.000m2 của ông A. Hỏi việc thỏa thuận như vậy Chấp hành viên đưa vào hồ sơ có được không? Thỏa thuận có khả thi không, nếu sau 05 năm ông A không trả đủ vàng cho bà B thì giải quyết thế nào?

Điều 6 Luật Thi hành án dân sự quy định đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận. Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.

Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự quy định: Việc thỏa thuận về thi hành án của đương sự phải được lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký của các bên tham gia thỏa thuận và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành việc thỏa thuận. Trường hợp người phải thi hành án có yêu cầu về việc thi hành án khác với nội dung bản án, quyết định đã tuyên và được người được thi hành án chấp thuận thì việc thi hành án được thực hiện theo yêu cầu đó. Việc thỏa thuận trước khi yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành do các đương sự tự nguyện thực hiện.

Sau khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định thi hành án, đương sự có quyền yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận. Chấp hành viên được giao giải quyết việc thi hành án có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận. Trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì Chấp hành viên có quyền từ chối nhưng phải lập biên bản và nêu rõ lý do. Người yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận ngoài trụ sở cơ quan Thi hành án dân sự mà phát sinh chi phí thì phải thanh toán các chi phí hợp lý cho cơ quan thi hành án dân sự.

Trường hợp đương sự không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan Thi hành án dân sự căn cứ nội dung bản án, quyết định; đơn yêu cầu thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận để ra quyết định thi hành án. Trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án mà đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định thì căn cứ thỏa thuận của đương sự, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với phần thỏa thuận không yêu cầu thi hành theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án. Trường hợp thỏa thuận nêu trên được thực hiện sau khi tài sản đã được bán hoặc giao cho người khác nhận để thi hành án thì phải được sự đồng ý của người mua được tài sản hoặc người nhận tài sản để thi hành án.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp bạn hỏi là vụ việc cụ thể nhưng không có hồ sơ, nên chúng tôi không khẳng định đúng sai chính xác được. Tuy nhiên, trường hợp đó khó có thể trả lời thỏa thuận có tính khả thi và còn một số vấn đề lưu ý như sau:

- Về quyền thỏa thuận thi hành án và hậu quả của việc thực hiện không đúng thỏa thuận:

Theo quy định thì ông A và bà B có quyền thỏa thuận về thi hành án.

Trường hợp ông A và bà B không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.

- Về trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc chứng kiến thỏa thuận và lưu giữ băn bản thảo thuận thi hành án:

Ông A và bà B thỏa thuận về thi hành án, thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó là có cơ sở. Văn bản thỏa thuận của các đương sự trong quá trình giải quyết việc thi hành án là một tài liệu của hồ sơ thi hành án nên phải lưu giữ trong hồ sơ thi hành án theo quy định tại điểm a phần 2.1 khoản 2 Mục I Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự: Hồ sơ thi hành án phải thể hiện toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên đối với việc thi hành án. Chấp hành viên phải ghi chép các công việc và lưu giữ tất cả các tài liệu đã và đang thực hiện vào hồ sơ thi hành án, gồm: bản án, quyết định của Toà án; các biên bản bàn giao, xử lý vật chứng, tài sản đã kê biên, tạm giữ; biên bản xác minh, biên bản giải quyết việc thi hành án (có chữ ký của các đương sự vào tất cả các trang biên bản); giấy báo; giấy triệu tập; giấy mời; các đơn yêu cầu, khiếu nại về thi hành án; các biên lai, phiếu thu, phiếu chi; các công văn, giấy tờ của cơ quan thi hành án, các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thi hành án, như: công văn xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án; công văn trao đổi với cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong quá trình thi hành án; công văn yêu cầu chuyển tiền, tang vật còn thiếu hoặc chưa chuyển giao cho cơ quan thi hành án và các giấy tờ, tài liệu khác liên quan.

- Về nội dung thỏa thuận:

Ông A và bà B thỏa thuận: Bà B được sử dụng 2.000m2 đất của ông A trong thời hạn là 05 năm và cũng trong thời hạn này ông A phải có nghĩa vụ thanh toán số vàng trả nợ cho bà B, nếu sau 05 năm mà ông A không trả đủ số vàng cho bà B thì bà B có quyền đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký và đứng tên quyền sử dụng đất diện tích 2.000m2 của ông A.

Nội dung thỏa thuận “bà B được sử dụng 2.000m2 đất của ông A trong thời hạn là 05 năm và cũng trong thời hạn này ông A phải có nghĩa vụ thanh toán số vàng trả nợ cho bà B” là phù hợp. Tuy nhiên nội dung “nếu sau 05 năm mà ông A không trả đủ số vàng cho bà B thì bà B có quyền đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký và đứng tên quyền sử dụng đất diện tích 2.000m2 của ông A” là chưa thực sự đúng quy định của pháp luật về chuyển quyền sử dụng đất.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, thì hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản được công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân có thẩm quyền. Văn bản thỏa thuận thi hành án nêu trên không phải là hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, vì vậy nếu sau 05 năm mà ông A không trả đủ số vàng cho bà B thì bà B có quyền đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký và đứng tên quyền sử dụng đất diện tích 2.000m2 của ông A như nội dung thỏa thuận của ông A và và B là cơ quan có thẩm quyền “bắt buộc” phải đăng ký cho bà B đứng tên quyền sử dụng đất diện tích 2.000m2 của ông A. Trường hợp này, các đương sự phải lập hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

 

 

 

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào