Thuê người lao động nước ngoài không có giấy phép, ai chịu trách nhiệm?
Căn cứ quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 thì một trong những trường hợp để người nước ngoài được vào làm việc tại Việt Nam là phải có giấy phép lao động (trừ trường hợp không thuộc diện xin cấp giấy phép).
Đồng thời, Khoản 2, Khoản 3 Điều 153 Bộ luật này xác định:
- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
- Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong trường hợp, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện cấp giấy phép lao động nhưng không có giấy phép thì cả người lao động nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài đó đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Về hình thức xử phạt: người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng, đồng thời bị trục xuất khỏi Việt Nam theo quy định tại Điểm a Khoản 3 và Khoản 5 Điều 31 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Còn doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động thì tùy thuộc vào số người lao động không có giấy phép mà bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 150 triệu đồng theo quy định tại Khoản 4 Điều 31 và Khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật