Quyền và nghĩa vụ của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi chuyển thành CTCP như thế nào?
Theo Điều 9 Nghị định 150/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 15/02/2021) thì nội dung này được quy định như sau:
- Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, đơn vị hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các Luật chuyên ngành và các quy định của pháp luật hiện hành.
- Đơn vị sự nghiệp công lập sau khi chuyển thành công ty cổ phần có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện việc cung cấp các loại dịch vụ sự nghiệp công trong thời gian tối thiểu 05 năm kể từ thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
- Đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi có trách nhiệm sắp xếp, sử dụng tối đa người quản lý và người lao động của đơn vị sự nghiệp công lập tại thời điểm quyết định chuyển đổi và giải quyết chế độ cho người lao động nghỉ việc, thôi việc theo quy định của pháp luật.
Công ty cổ phần có nghĩa vụ kế thừa mọi trách nhiệm đối với người lao động từ đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang; có quyền tuyển chọn, bố trí sử dụng lao động và phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật.
- Đơn vị sự nghiệp công lập sau khi chuyển thành công ty cổ phần được sử dụng toàn bộ tài sản, nguồn vốn đã nhận bàn giao để tổ chức hoạt động có hiệu quả; kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ (gồm cả nợ thuế, nợ vay lại vốn vay ODA), hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý những vấn đề về tài chính để xác định giá trị phần vốn nhà nước của đơn vị tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
- Tài sản thừa hoặc thiếu phát hiện sau khi đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần so với giá trị đơn vị sự nghiệp công lập đã công bố được xử lý như sau:
* Đối với tài sản thừa:
+ Xử lý tăng vốn nhà nước tại công ty cổ phần đối với trường hợp công ty cổ phần có nhu cầu sử dụng và được Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thông qua; đồng thời thực hiện điều chỉnh quy mô vốn điều lệ và tỷ lệ vốn nhà nước tại công ty cổ phần;
+ Trường hợp công ty cổ phần không có nhu cầu sử dụng: Thực hiện bàn giao tài sản cho bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh để xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công. Đối với công ty cổ phần chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì thực hiện bàn giao các tài sản này cho doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để quản lý, xử lý theo quy định.
* Đối với tài sản thiếu sau khi trừ khoản bồi thường của tổ chức, cá nhân (nếu có) được xử lý như sau:
Công ty cổ phần thực hiện giảm vốn nhà nước tại công ty cổ phần nếu có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thông qua hoặc hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần trong trường hợp Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông không thông qua việc giảm vốn nhà nước tại công ty cổ phần.
Trân trọng!