Thủ tục xin phép khai thác cát ở chân đập thủy điện
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 3 Điều 21 Nghị định 114/2018/NĐ-CP thì chân đập thủy điện được xác định thuộc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước cụ thể là thuộc vùng phụ cận.
Điểm c Khoản 1 Điều 22 Nghị định này đồng thời quy định:
Trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước các hoạt động phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền bao gồm: Khoan, đào khảo sát địa chất; thăm dò, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, khai thác nước dưới đất;...
Như vậy, theo quy định này, trường hợp đơn vị anh muốn khai thác cát làm vật liệu xây dựng tại vùng chân đập thủy điện, phải tiến hành thủ tục xin cấp phép khai thác.
Về thủ tục xin cấp giấy phép được thực hiện theo quy định tại Chương IV Nghị định 67/2018/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Hồ sơ xin cấp giấy phép được quy định tại Điều 22 bao gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 67/2018/NĐ-CP;
2. Bản vẽ thiết kế thi công đối với trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 10 Điều 13 Nghị định 67/2018/NĐ-CP;
3. Sơ họa vị trí khu vực tiến hành các hoạt động đề nghị cấp phép;
4. Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động đến việc vận hành và an toàn công trình thủy lợi;
5. Văn bản thỏa thuận của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi;
6. Văn bản thỏa thuận về sử dụng đất lâu dài hoặc có thời hạn với chủ sử dụng đất hợp pháp.
Nơi nộp hồ sơ: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị (Khoản 2 Điều 16 Nghị định 67/2018/NĐ-CP);
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.
Doanh nghiệp bên anh căn cứ quy định trên để thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép khai thác cát tại chân đập thủy điện.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật