Thạc sĩ Luật học có thể làm giám đốc ngân hàng hay không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì ngân hàng là một loại hình tổ chức tín dụng.
Theo Khoản 1 Điều 48 Luật này thì có thể thuê một người làm Giám đốc ngân hàng.
Căn cứ Khoản 4 Điều 50 Luật này và Khoản 11 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 thì chức danh Giám đốc tổ chức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn sau đây:
a) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này;
b) Có đạo đức nghề nghiệp;
c) Có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật;
d) Có ít nhất 05 năm là người điều hành của tổ chức tín dụng hoặc có ít nhất 05 năm là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình tổ chức tín dụng tương ứng và có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc có ít nhất 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán;
đ) Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.
Theo điều kiện, tiêu chuẩn này thì Giám đốc tổ chức tín dụng phải có trình độ đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật.
Giám đốc ngân hàng dù có thuê hay được bổ nhiệm thì cũng phải đạt trình độ này. Cho nên hoàn toàn có thể thuê thạc sĩ Luật đảm nhận chức vụ này nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.
Trân trọng!
Nguyễn Đăng Huy