Uỷ thác thi hành án ngược trở lại có đúng không?

Bản án số 85/DSST ngày 18/06/2010 của Toà án nhân dân quận C, thành phố Đ tuyên bà A, hộ khẩu thường trú tại phường T, quận C, thành phố Đ phải thi hành nộp 1.500.000đ tiền án phí DSST và nộp trả cho ông B số tiền 60.000.000 đồng tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất ở thuộc sở hữu của bà A có tại huyện H, thành phố Đ được xử lý để thu hồi nợ vay cho ông B. Cơ quan thi hành án quận C, thành phố Đ tiến hành xác minh nơi bà A đăng ký nhân khẩu, tại đây bà A chỉ đăng ký nhân khẩu vào hộ gia đình mẹ ruột, thực tế bà A không sinh sống và không có tài sản tại quận C. Cơ quan Thi hành án quận C đã uỷ thác khoản thu án phí đến cơ quan thi hành án huyện H, thành phố Đ nơi bà A có tài sản là quyền sử dụng đất ở đã thế chấp cho ông B để thi hành khoản án phí. Cơ quan Thi hành án huyện H, thành phố Đ tiến hành xác minh tài sản là quyền sử dụng đất ở của bà A, kết quả xác minh bà A đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở có trong Bản án vào ngày 24/06/2010 và tự thanh toán tiền cho ông B (các bên không yêu cầu thi hành án ). Từ kết quả xác minh, xác định bà A không còn tài sản tại huyện H, nên cơ quan Thi hành án huyện H uỷ thác ngược trở lại cho cơ quan thi hành án quận C nơi bà A đăng ký nhân khẩu để cơ quan Thi hành án quận C thi hành. Việc Cơ quan huyện H uỷ thác ngược trở lại hồ sơ cho cơ quan thi hành án quận C như trên có đúng không ?

Căn cứ quy định tại các Điều 54, 55 và 56 Luật Thi hành án dân sự 2008, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự 2008 hiện hành, thì không có quy định nào cấm hoặc không cho phép cơ quan thi hành án dân sự đã nhận uỷ thác thi hành án được uỷ thác trở lại cho cơ quan thi hành án đã uỷ thác thi hành án.

Trong trường hợp bạn nêu, do nhiều tình tiết chưa cụ thể nên không thể trả lời đúng, sai, hợp lý hay không hợp lý.

Tuy nhiên, chúng tôi đưa ra xem xét một vài ý kiến như sau: Dường như cả hai cơ quan thi hành án (cơ quan thi hành án quận C và cơ quan thi hành án huyện H, thành phố Đ), nhất là cơ quan thi hành án quận C chưa làm tốt công việc của mình, chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong giải quyết vụ việc trên. Lẽ ra, cơ quan thi hành án quận C, trước khi uỷ thác thi hành án cho cơ quan thi hành án huyện H phải xác minh đầy đủ, toàn diện hơn về điều kiện thi hành án của bà A. Cơ quan thi hành án quận C, thành phố Đ tiến hành xác minh nơi bà A đăng ký nhân khẩu, xác định tại đây bà A chỉ đăng ký nhân khẩu vào hộ gia đình mẹ ruột, thực tế bà A không sinh sống và không có tài sản tại quận C, thì phải xác minh thực tế thời điểm đó bà A đang cư trú ở đâu, tài sản ở nơi cư trú thực tế có hay không? Tài sản bà A thế chấp cho ông B có còn hay không, có thuộc diện được kê biên, xử lý để thi hành án hay không? Kết quả xác minh phải thông tin đầy đủ cho cơ quan thi hành án huyện H.

Cơ quan thi hành án huyện H sau khi tiến hành xác minh tài sản là quyền sử dụng đất ở của bà A, kết quả xác minh bà A đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở có trong Bản án vào ngày 24/06/2010, thì cũng phải xem xét việc chuyển nhượng đó có đúng pháp luật không, nếu không đúng thì phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng đó theo quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT/BTP-VKSTC ngày 26 tháng 2 năm 2001 của Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định pháp luật thi hành án dân sự (nay là Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSTC ngày 26 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự).

Nếu như việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên hợp pháp, có căn cứ khẳng định bà A không còn tài sản ở huyện H, thì cùng với căn cứ chứng minh bà A không cư trú thực tế, không có tài sản tại quận C, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án huyện H ủy thác đến nơi cư trú thực tế của bà A (ví dụ ở quận B), thành phố Đ để thi hành khoản tiền án phí đó.

 

 

 

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào