Trách nhiệm bảo đảm thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 126/2020/TT-BCA (Có hiệu lực từ 15/01/2021) thì nội dung này được quy định như sau:
- Khi tiến hành các hoạt động điều tra, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và Cán bộ điều tra được phân công điều tra phải thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm được phân công theo quy định của pháp luật; phải giải thích cho người tham gia tố tụng biết quyền, nghĩa vụ của họ và bảo đảm cho họ được thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật; việc giải thích phải được ghi vào biên bản.
- Đối với các trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người thì người ra lệnh giữ người, lệnh bắt người phải thông báo cho gia đình người bị giữ, người bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết; trường hợp người bị giữ, người bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt. Nếu việc thông báo cản trở việc truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở hoạt động điều tra thì được tạm thời ngừng việc thông báo nhưng sau khi cản trở đó không còn, người ra lệnh giữ người, lệnh bắt người, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt phải thông báo ngay.
- Trong mọi trường hợp, khi tiến hành khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý tài liệu, đồ vật, vật chứng, Cơ quan điều tra phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Điều tra viên có trách nhiệm giải thích cho đối tượng bị khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp trong vụ việc, vụ án biết về các quy định của pháp luật đối với hoạt động đang thực hiện; việc giải thích trên phải được ghi vào biên bản.
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra có trách nhiệm bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng thân thiện với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật.
- Ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra đối với các hành vi tố tụng hoặc quan điểm điều tra, xử lý tội phạm phải thể hiện bằng văn bản. Trường hợp chỉ đạo trực tiếp bằng lời nói thì Điều tra viên phải ghi lại cụ thể, rõ ràng nội dung ý kiến đó bằng văn bản và có xác nhận của Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã cho ý kiến, đưa vào hồ sơ lưu của vụ án (AK), vụ việc (AĐ).
Trường hợp Điều tra viên chưa nhất trí với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì có quyền tiếp tục đề xuất hoặc kiến nghị lại; nếu Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không nhất trí với ý kiến đề xuất, kiến nghị đó thì Điều tra viên vẫn phải nghiêm túc chấp hành, nhưng có quyền bảo lưu ý kiến của mình, đồng thời kiến nghị với Thủ trưởng Cơ quan điều tra về ý kiến của mình và phải chịu trách nhiệm về nội dung kiến nghị đó. Nếu Thủ trưởng Cơ quan điều tra đồng ý thì thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Trường hợp chưa nhất trí với ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì Điều tra viên có quyền tiếp tục đề xuất hoặc kiến nghị lại; nếu Thủ trưởng Cơ quan điều tra không nhất trí với ý kiến đề xuất, kiến nghị đó thì Điều tra viên vẫn phải nghiêm túc chấp hành, nhưng có quyền bảo lưu ý kiến của mình, đồng thời kiến nghị với cấp trên trực tiếp của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và phải chịu trách nhiệm về nội dung kiến nghị đó.
Trân trọng!