Sản xuất chất phóng xạ phải được đảm bảo an toàn, an ninh thế nào?

Không rõ việc bảo đảm an toàn, an ninh khi sản xuất chất phóng xạ được quy định như thế nào? Nhờ hỗ trợ theo quy định mới nhất. Tôi cảm ơn.

Theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định 142/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 01/02/2021) thì khi sản xuất chất phóng xạ phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn, an ninh như sau:

- Đáp ứng các diều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 5 của Nghị định này;

Cụ thể:

"a) Bảo đảm mức liều chiếu xạ trong điều kiện làm việc bình thường như sau:

- Đối với nhân viên bức xạ

+ Liều hiệu dụng không vượt quá 20 mSv/năm (lấy trung bình trong 5 năm kế tiếp nhau) và không vượt quá 50 mSv trong một năm bất kỳ trong giai đoạn này;

+ Liều tương đương đối với thủy tinh thể của mắt không vượt quá 20 mSv/năm (lấy trung bình trong 5 năm kế tiếp nhau) và không vượt quá 50 mSv trong một năm bất kỳ trong giai đoạn này;

+ Liều tương đương đối với da không vượt quá 500 mSv/năm theo loại hình công việc bức xạ cụ thể.

- Đối với công chúng

+ Liều hiệu dụng không vượt quá 1 mSv/năm (lấy trung bình trong 5 năm kế tiếp nhau) và không vượt quá 5 mSv trong một năm bất kỳ trong giai đoạn này;

+ Liều tương đương đối với thủy tinh thể của mắt không vượt quá 15 mSv/năm;

+ Liều tương đương đối với da không vượt quá 50 mSv/năm đối với công chúng theo tình huống chiếu xạ cụ thể.

b) Thiết lập khu vực kiểm soát và khu vực giám sát như sau:

- Khu vực kiểm soát: Nơi có mức liều chiếu xạ tiềm năng lớn hơn hoặc bằng 6 mSv/năm; nơi có khả năng gây nhiễm bẩn phóng xạ; phòng điều khiển của lò phản ứng hạt nhân, thiết bị xạ trị, máy gia tốc, thiết bị chiếu xạ công nghiệp.

- Khu vực giám sát: Nơi có mức liều chiếu xạ tiềm năng lớn hơn 1 mSv/năm và nhỏ hơn 6 mSv/năm.

c) Có dấu hiệu cảnh báo bức xạ theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7468:2005 (ISO 361:1975) An toàn bức xạ - Dấu hiệu cơ bản về bức xạ ion hóa và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8663:2011 (ISO 21482:2007) An toàn bức xạ - Cảnh báo bức xạ ion hóa - Dấu hiệu bổ sung;

d) Có nội quy an toàn bức xạ phù hợp với công việc bức xạ, bao gồm các quy định về: Tuân thủ quy trình làm việc và chỉ dẫn an toàn; sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân, thiết bị ghi đo bức xạ và liều kê cá nhân; trách nhiệm thông báo khi có hiện tượng bất thường có thể gây mất an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ;

đ) Trang bị liều kế cá nhân và đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho nhân viên bức xạ ít nhất 03 tháng một lần".

- Có buồng thao tác (hot cell) để tổng hợp, chế biến chất phóng xạ;

- Có thiết bị theo dõi suất liều chiếu xạ lắp đặt cố định bên trong và bên ngoài phòng sản xuất, chế biến chất phóng xạ;

- Có biện pháp để kiểm soát và chống nhiễm bẩn phóng xạ, thu gom, xử lý và lưu giữ chất thải phóng xạ;

- Có kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở theo quy định tại Phụ lục II của Nghị định này. Kế hoạch ứng phó sự cố phải được phê duyệt theo quy định tại Điều 36 của Nghị định này;

- Trường hợp sản xuất nguồn phóng xạ kín: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ theo quy định tại Phụ lục I của Nghị định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào