Quy định về việc điều động công chức
Điều động công chức được quy định tại Điều 26 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, cụ thể:
- Việc điều động công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
+ Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể;
+ Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức và giữa các cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
+ Chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Đảng và pháp luật.
- Thẩm quyền điều động công chức:
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp quản lý công chức quyết định việc điều động công chức thuộc thẩm quyền quản lý hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.
- Trình tự, thủ tục điều động công chức:
+ Căn cứ quy hoạch, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường của công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp quản lý công chức xây dựng kế hoạch, biện pháp điều động công chức thuộc phạm vi quản lý, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện;
+ Lập danh sách công chức cần điều động;
+ Biện pháp thực hiện cụ thể đối với từng trường hợp;
+ Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì thực hiện trình tự, thủ tục điều động như trường hợp bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý từ nguồn nhân sự nơi khác quy định tại khoản 3 Điều 46 Nghị định này.
- Trước khi quyết định điều động công chức, người đứng đầu cơ quan được phân công, phân cấp quản lý công chức cần gặp gỡ công chức nêu rõ mục đích, sự cần thiết của việc điều động để nghe công chức đề xuất ý kiến trước khi quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ban biên tập phản hồi thông tin.
Thư Viện Pháp Luật