Có được thay thế việc đóng BHXH bằng việc trả thêm tiền lương cho người lao động?
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nếu chỉ xét đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, thì các trường hợp sau bắt buộc người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Lưu ý: Từ năm 2021, khi Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực, chỉ còn 2 loại hợp đồng lao động là hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Đối chiếu với trường hợp của chị, công ty chị thuê lao động nấu ăn công nghiệp, ký hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm thì bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội cho những người lao động này. Vấn đề định biên lao động là vấn đề nội bộ của công ty, công ty phải tự giải quyết, tuy nhiên, trường hợp đã ký hợp đồng lao động với người lao động thì công ty phải có nghĩa vụ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho họ.
Việc trả thêm vào tiền lương của người lao động một khoản tương đương với tiền đóng bảo hiểm xã hội chỉ áp dụng cho những trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như lao động thử việc, người giúp việc gia đình,...còn trường hợp của công ty chị không được phép thay thế nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động bằng hình thức này.
Trường hợp vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5 và Điểm c Khoản 4 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Cụ thể:
Phạt tiền từ 24% đến 30% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng đối với hành vi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật