Có phải xin giấy phép mới được kinh doanh tiền chất công nghiệp?
Kinh doanh tiền chất công nghiệp thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Lưu ý: Từ ngày 01/01/2021, văn bản trên hết hiệu lực. Thay vào đó, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được áp dụng theo quy định tại Luật Đầu tư 2020. Theo đó, kinh doanh tiền chất công nghiệp vẫn được xác định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Điều kiện cụ thể được quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Theo đó:
Tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền chất công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định này, trong quá trình hoạt động kinh doanh phải đảm bảo các yêu cầu quy định tại Điều 4, 5, 6, 7 của Nghị định này và các điều kiện dưới đây:
- Phải có đầy đủ hóa đơn mua bán, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc nhà cung cấp các loại tiền chất công nghiệp;
- Phải lập sổ theo dõi riêng tiền chất công nghiệp. Sổ theo dõi bao gồm các thông tin: Tên đầy đủ, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại, số fax; tên tiền chất công nghiệp, số lượng mua, bán, tồn kho; mục đích sử dụng của tổ chức, cá nhân mua tiền chất công nghiệp;
- Tiền chất công nghiệp phải được tồn trữ, bảo quản ở một khu vực riêng trong kho hoặc kho riêng.
Theo quy định trên, doanh nghiệp kinh doanh tiền chất công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như về việc đăng ký kinh doanh, cơ sở vật chất, nhân sự, ...
Đồng thời Nghị định này chỉ yêu cầu giấy phép đối với hoạt động xuất, nhập khẩu tiền chất công nghiệp tại Điều 12 chứ không yêu cầu đối với hoạt động kinh doanh. Do vậy, trường hợp doanh nghiệp đã có giấy phép nhập khẩu thì khi về kinh doanh trong nước chỉ cần đáp ứng các điều kiện còn lại nêu trên.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật