Thành viên góp vốn có được làm giám đốc công ty hợp danh?
Thành viên góp vốn có được làm giám đốc công ty hợp danh?
Theo điểm b khoản 2 Điều 187 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn như sau:
Quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn
2. Thành viên góp vốn có nghĩa vụ sau đây:
a) Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp;
b) Không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty;
c) Tuân thủ Điều lệ công ty, nghị quyết và quyết định của Hội đồng thành viên;
d) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Tại khoản 4 Điều 184 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về điều hành kinh doanh của công ty hợp danh như sau:
Điều hành kinh doanh của công ty hợp danh
...
4. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các nghĩa vụ sau đây:
a) Quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách là thành viên hợp danh;
b) Triệu tập và tổ chức họp Hội đồng thành viên; ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
c) Phân công, phối hợp công việc kinh doanh giữa các thành viên hợp danh;
d) Tổ chức sắp xếp, lưu giữ đầy đủ và trung thực sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu khác của công ty theo quy định của pháp luật;
đ) Đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án; đại diện cho công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;
e) Nghĩa vụ khác do Điều lệ công ty quy định.
Theo đó, giám đốc có nghĩa vụ quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty. Tuy nhiên, theo quy định, thành viên góp vốn lại không được tham gia quản lý công ty.
Chính vì vậy, thành viên góp vốn sẽ không được làm giám đốc công ty hợp danh.
Thành viên góp vốn có được làm giám đốc công ty hợp danh? (Hình từ Internet)
Thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách trong trường hợp nào?
Theo khoản 1 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, Theo đó, thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách trong trường hợp sau:
- Tự nguyện rút vốn khỏi công ty;
- Chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Bị khai trừ khỏi công ty;
- Chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật