Cá nhân được chủ trì thiết kế xây dựng công trình hạng mấy nếu tốt nghiệp cao đẳng?
Cá nhân muốn được cấp CCHN thiết kế xây dựng công trình thì phải đáp ứng các điều kiện chung quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 100/2018/NĐ-CP và điều kiện cụ thể tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định này.
Về điều kiện chung để được cấp CCHN thiết kế xây dựng công trình được quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 100/2018/NĐ-CP (sửa đổi Điều 45 Nghị định 59/2015/NĐ-CP) như sau:
Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề khi đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
2. Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
a) Hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 năm trở lên;
b) Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 04 năm trở lên;
c) Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.
3. Đạt yêu cầu sát hạch đối với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Theo đó, cá nhân có trình độ cao đẳng vẫn có thể được cấp CCHN thiết kế xây dựng công trình hạng III.
Khoản 8 Điều 1 Nghị định 100/2018/NĐ-CP quy định về phạm vi hoạt động của chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình như sau:
- Hạng I: Được làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế bộ môn chuyên ngành của tất cả các cấp công trình cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
- Hạng II: Được làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế bộ môn chuyên ngành của công trình từ cấp II trở xuống cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
- Hạng III: Được làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế bộ môn chuyên ngành của công trình cấp III, cấp IV cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
Như vậy, cá nhân có trình độ cao đẳng có thể được làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế bộ môn chuyên ngành của công trình cấp III, cấp IV cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật