Hành vi đánh bắt, nuôi thủy sản mà gây cản trở giao thông thì bị xử phạt như thế nào?

Người dân giăng lưới, giăng câu, cắm cọc để nuôi và đánh bắt thủy sản trên vùng đầm Phá Tam Giang đã gây cản trở giao thông đường thủy và ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của các tàu du lịch trong khu vực đầm phá. Đề nghị cho biết việc đánh bắt, nuôi thủy sản mà gây cản trở giao thông thì bị xử phạt như thế nào?

Điều 8 Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa quy định vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa khi khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đánh bắt thủy sản, hải sản lưu động gây cản trở giao thông.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện hoặc đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản không đúng theo hướng dẫn của đơn vị quản lý đường thủy nội địa.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không dỡ bỏ dụng cụ, không di dời phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản ngay sau khi chấm dứt hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng;

b) Không dỡ bỏ, di chuyển, thu hẹp dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản theo thông báo của đơn vị quản lý đường thủy nội địa.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đặt dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trên luồng.

Đối chiếu với quy định trên, việc người dân giăng lưới, giăng câu, cắm cọc để nuôi và đánh bắt thủy sản trên vùng đầm Phá Tam Giang đã gây cản trở giao thông đường thủy và ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của các tàu du lịch trong khu vực đầm phá sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đặt dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trên luồng.

Ngoài ra, Khoản 6 Điều 8 Nghị định số 132/2015/NĐ-CP còn quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ, di dời, thu hẹp dụng cụ, phương tiện nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản đối với hành vi vi phạm nói trên.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào