Giảng viên thực hành trường cao đẳng có được phụ cấp nặng nhọc, độc hại?
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thì trường cao đẳng nghề nói riêng, trường cao đẳng nói chung được xác định là cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Về chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho nhà giáo dạy thực hành được quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 113/2015/NĐ-CP. Theo đó, để được hưởng phụ cấp này, nhà giáo dạy thực hành phải đáp ứng điều kiện:
Phải dạy thực hành các ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau:
- Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc; dạy thực hành ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định;
- Dạy thực hành trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép;
- Dạy thực hành những ngành, nghề học phát sinh tiếng ồn lớn hoặc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép;
- Dạy thực hành ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Theo thông tin chị cung cấp, chị không nêu rõ chị dạy thực hành đối với ngành nghề nào, trong điều kiện môi trường ra sao, do vậy, chúng tôi không đủ căn cứ để khẳng định chị có thuộc trường hợp được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo dạy thực hành tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp hay không. Chị vui lòng căn cứ quy định trên và đối chiếu với trường hợp của mình để xác định mình có được hưởng chế độ này hay không.
Trường hợp được hưởng, mức phụ cấp sẽ được áp dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH. Cụ thể:
Tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm = (Mức phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng x Mức lương cơ sở) / (Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm /12 tháng) x Số giờ dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thực tế trong tháng.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật