NLĐ có cần chứng nhận của bác sĩ mới được nghỉ dưỡng sức sau sinh?
Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
- Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
- Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
+ Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
+ Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
+ Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
- Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Như vậy, khi quay trở lại đi làm sau thời gian thai sản nhưng sức khỏe không đảm bảo thì người lao động có thể nghỉ dưỡng sức. Số ngày nghỉ dưỡng sức do công ty và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp công ty chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do công ty quyết định.
Theo Khoản 2.4 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 thì trường hợp hưởng DSPHSK sau thai sản: Hồ sơ theo quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật BHXH là Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập.
Theo đó, công ty có trách nhiệm lập Danh sách 01B-HSB gửi cơ quan BHXH, người lao động không phải nộp giấy xác nhận sức khỏe của bác sỹ.
Trân trọng!