Có được trừ tiền vé máy bay cho chuyên gia nước ngoài khi tính thuế TNDN?
Căn cứ quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì để khoản chi nói chung được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, phải đáp ứng 3 điều kiện:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Về vấn đề tiền mua vé máy bay cho chuyên gia có được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp?
Điều 4 Thông tư này đồng thời quy định:
Trường hợp doanh nghiệp có mua vé máy bay qua website thương mại điện tử cho người lao động đi công tác để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, thẻ lên máy bay (boarding pass) và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển. Trường hợp doanh nghiệp không thu hồi được thẻ lên máy bay của người lao động thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển.
Như vậy, theo quy định này, chi phí của công ty anh mua vé máy bay cho chuyên gia từ công ty mẹ sang Việt Nam để khắc phục hậu quả cháy nổ được đưa vào chi phí được trừ nếu đáp ứng điều kiện chung nêu trên.
Lưu ý: Chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, thẻ lên máy bay (boarding pass) và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của công ty anh. Trường hợp công ty không thu hồi được thẻ lên máy bay của chuyên gia thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của công ty.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật