Dựa vào đâu để xác định người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường?
Thuật ngữ "điều kiện lao động bình thường" được đề cập đến trong rất nhiều văn bản pháp luật lao động. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một văn bản nào định nghĩa hoặc đưa ra cách xác định như thế nào là làm việc "trong điều kiện lao động bình thường".
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) thì nếu xét về điều kiện lao động, người lao động được nghỉ hưu sớm hơn so với độ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường trong 2 trường hợp:
- Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
- Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Như vậy, dù không định nghĩa chính xác như thế nào là điều kiện lao động bình thường nhưng căn cứ quy định này, ta có thể xác định: một người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường là khi họ không làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; không làm việc ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật