Lương tạm ứng khi bị tạm đình chỉ công việc là lương cơ bản?
Khoản 2 Điều 129 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
Ngoài ra theo Khoản 5 Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì tiền lương làm căn cứ để tạm ứng cho người lao động trong thời gian tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định tại Khoản 2 Điều 100 hoặc bị tạm đình chỉ công việc quy định tại Điều 129 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi người lao động tạm thời nghỉ việc hoặc bị tạm đình chỉ công việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định này.
Và theo Điều 90 Bộ luật này thì:
Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
Như vậy, tiền lương tạm ứng là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi người lao động bị tạm đình chỉ công việc, có thể bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Trân trọng!