Người vay tiền có được nhận lại tiền lãi nếu bên cho vay bị truy cứu TNHS không?
Theo Công văn 4688/VKSTC-V14 năm 2020 giải đáp vướng mắc Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 thì:
2.1. Về xử lý khoản tiền gốc và lãi tương ứng với mức lãi suất năm 20%/năm
Tiền gốc là phương tiện phạm tội nên cần phải tịch thu sung vào ngân sách nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp người vay chưa trả tiền gốc thì buộc người vay phải nộp để sung vào ngân sách nhà nước.
Đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm thì xác định đây là khoản tiền do phạm tội mà có và phải bị tịch thu nộp ngân sách nhà nước.
2.2. Về xử lý khoản tiền thu lợi bất chính (khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm)
Khoản lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền người phạm tội thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay. Theo đó:
(1) Trường hợp người vay đã trả khoản lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm cho người cho vay thì trả lại cho người vay khoản vay này.
(2) Trường hợp người vay chưa trả khoản lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm cho người vay, tức là chưa phát sinh khoản thu lợi bất chính thì hành vi cho vay tiền nêu trên chưa thỏa mãn đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 201 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Do vậy, không cần đặt ra nội dung “nếu chưa trả lãi thì không cần tịch thu vì chưa có hậu quả” như Công văn số 362/CV-VKSPT đã nêu.
Như vậy, đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm thì xác định đây là khoản tiền do phạm tội mà có và phải bị tịch thu nộp ngân sách nhà nước. Trường hợp người vay đã trả khoản lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm cho người cho vay thì họ sẽ được nhận lại khoản tiền này từ người cho vay.
Trân trọng!