Xử lý trường hợp xây chuồng trại trên đất nông nghiệp không đăng ký biến động?
Tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, có quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, bao gồm:
- Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm:
+ Đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt;
+ Đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép;
+ Đất nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;
Như vậy, theo quy định nêu trên thì đất nông nghiệp nay muốn chuyển qua xây dựng chuồng trại chăn nuôi thì không phải thực hiện việc xin phép nhà nước có thẩm quyền nhưng phải thực hiện việc đăng ký biến động đất đai.
Do đó, gia đình anh cần làm thủ tục đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Phòng tài nguyên môi trường cấp quận/huyện/thị trấn.
Pháp luật quy định phải thực hiện đăng ký biến động trong vòng 30 ngày kể từ ngày phát sinh biến động. Nếu quá 30 ngày người sử dụng đất mà không đăng ký biến động là trái quy định pháp luật. Cho nên, nếu vi phạm anh/chị sẽ bị phạt với hành vi không đăng ký biến động (Điều 95 Luật Đất đai 2013). Cụ thể:
Theo Khoản 2 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định mức phạt với hành vi chậm đăng ký biến động QSDĐ như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động;
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động.
Lưu ý: Đôi với trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt trên.
Ngoài ra, buộc người đang sử dụng đất trong các trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định.
Trân trọng!