Các biện pháp phục hồi doanh nghiệp tái cơ cấu của DATC?
Theo Điều 22 Nghị định 129/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực 10/12/2020) quy định các biện pháp khác để phục hồi doanh nghiệp tái cơ cấu như sau:
Doanh nghiệp tái cơ cấu do DATC nắm giữ trên 50% vốn điều lệ có phương án sản xuất kinh doanh, phương án sử dụng vốn khả thi (bao gồm cả nguồn trả nợ) và hiệu quả thì được DATC xem xét hỗ trợ các biện pháp sau đây:
- Cung cấp tài chính từ nguồn vốn kinh doanh của DATC theo các nguyên tắc sau:
+ DATC quyết định và chịu trách nhiệm về việc cung cấp tài chính cho doanh nghiệp tái cơ cấu, trên cơ sở phương án thu hồi vốn hiệu quả và khả thi;
+ Không cung cấp tài chính đối với các doanh nghiệp tái cơ cấu mà DATC đã có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của DATC trong năm tài chính. Đối với doanh nghiệp tái cơ cấu đã được DATC cung cấp tài chính, trường hợp DATC có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của DATC tại doanh nghiệp thì phải có phương án thu hồi khả thi khoản cung cấp tài chính trước khi chuyển nhượng vốn góp;
+ Doanh nghiệp tái cơ cấu phải sử dụng đúng mục đích khoản cung cấp tài chính của DATC, không được sử dụng khoản cung cấp tài chính của DATC để trả nợ cho chính DATC;
+ DATC thông qua Người đại diện để thực hiện giám sát doanh nghiệp tái cơ cấu trong việc sử dụng khoản cung cấp tài chính của DATC theo đúng phương án sử dụng vốn.
- Bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng:
DATC thực hiện bảo lãnh theo nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Việc bảo lãnh vay vốn để thực hiện dự án đầu tư phải trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án đầu tư và phải có cam kết trả nợ đúng hạn đối với khoản vay được bảo lãnh.
Trên đây là nội dung về biện pháp khác để phục hồi doanh nghiệp tái cơ cấu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam theo quy định mới nhất.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật