Tại nơi có dịch vụ ăn uống chưa phát triển có đủ điều kiện công nhận là điểm du lịch?
Điều kiện công nhận điểm du lịch được quy định tại Điều 23 Luật Du lịch 2017 và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 11 Nghị định 168/2017/NĐ-CP như sau:
- Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực.
- Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch, bao gồm:
+ Có kết nối giao thông, thông tin liên lạc thuận lợi;
+ Có điện, nước sạch;
+ Có biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch;
+ Có dịch vụ ăn uống, mua sắm.
- Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, bao gồm:
+ Có bộ phận bảo vệ trực 24 giờ mỗi ngày;
+ Công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch;
+ Có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch;
+ Nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm;
+ Có biện pháp thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường;
+ Áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
Theo đó, 1 địa điểm để được công nhận là điểm du lịch phải đảm bảo các điều kiện nêu trên. Pháp luật chỉ đặt ra yêu cầu điểm du lịch phải đảm bảo điều kiện "có dịch vụ ăn uống, mua sắm", không yêu cầu dịch vụ ăn uống này phải phát triển như thế nào.
Do đó, chưa xét đến các tiêu chí khác, trường hợp tại địa điểm có dịch vụ ăn uống chưa phát triển thì vẫn có thể được công nhận là điểm du lịch.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật