Có phải hợp đồng xây dựng nào cũng phải có biện pháp bảo đảm thực hiện không?
Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì hợp đồng tư vấn xây dựng là một trong các loại hợp đồng xây dựng.
Ngoài hợp đồng tư vấn xây dựng, hợp đồng xây dựng có thể là các loại hợp đồng khác như: hợp đồng thi công xây dựng công trình, hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình, hợp đồng chìa khóa trao tay,...
Theo Khoản 1 Điều 16 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì: Bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng là việc bên nhận thầu thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời gian thực hiện hợp đồng; khuyến khích áp dụng hình thức bảo lãnh.
Khoản 2 Điều 16 Nghị định này cũng đồng thời quy định:
Bảo đảm thực hiện hợp đồng phải được nộp cho bên giao thầu trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực theo đúng thỏa thuận của các bên về giá trị, loại tiền, phương thức bảo đảm; theo mẫu được bên giao thầu chấp nhận và phải có hiệu lực cho đến khi bên nhận thầu đã hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc sau khi bên giao thầu đã nhận được bảo đảm bảo hành đối với hợp đồng có công việc thi công xây dựng và cung cấp thiết bị. Riêng hợp đồng tư vấn xây dựng, hợp đồng giao khoán nội bộ, hợp đồng xây dựng thuộc các chương trình mục tiêu do các hộ dân thực hiện và những hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện không bắt buộc bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng.
Như vậy, về nguyên tắc, hợp đồng xây dựng buộc phải có biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, một số loại hợp đồng như hợp đồng tư vấn xây dựng, hợp đồng giao khoán nội bộ,... không bắt buộc bảo đảm thực hiện.
Do đó, đối với hợp đồng tư vấn xây dựng của công ty bạn, việc có thực hiện biện pháp bảo lãnh hay không sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật