Ai chịu chi phí cưỡng chế khi xử lý tài sản bảo lãnh của bên thứ ba để đảm bảo thi hành án?

Tòa án quyết định: Công ty A phải trả cho Ngân hàng B 1 tỷ đồng, có các tài sản bảo đảm của người thứ 3 bảo lãnh khoản vay của cho công ty A. Quá trình thi hành án công ty A không còn tài sản gì. Ngân hàng đề nghị xử lý kê biên tài sản bảo đảm của bên thứ 3 để thi hành án, do bên thứ 3 không tự nguyện giao tài sản để xử lý. Trong trường hợp này khi cưỡng chế thi hành án có trừ chi phí thi hành án vào tài sản bán được của bên thứ 3 không? Nếu không thì sẽ xử lý thế nào trong khi Công ty A không còn tài sản?

Theo quy định tại Điều 361, 362, 363 và Điều 369 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì bảo lãnh là việc người thứ ba (gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực. Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh.

Căn cứ quy định nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể để xác định trách nhiệm của bên bảo lãnh phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án. Bên bảo lãnh đã nhận bảo lãnh mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dẫn đến việc bên nhận bảo lãnh phải kiện ra Tòa án thì thực chất nghĩa vụ thi hành án thuộc về bên bảo lãnh, vì vậy nếu bên bảo lãnh không tự nguyện trả tiền thi hành án cho bên nhận bảo lãnh dẫn đến phải cưỡng chế tài sản của bên bảo lãnh thì bên bảo lãnh phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án. Do vậy, trường hợp bạn hỏi thì người bảo lãnh cho công ty A phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án xử lý tài sản của người đó để thi hành án do công ty A không còn tài sản.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào