Học sinh không cùng hộ khẩu với bố mẹ có được hưởng chế độ hỗ trợ hay không?
Theo thông tin bạn cung cấp thì có thể xác định trường hợp bạn đang thắc mắc thuộc quy định về điều kiện học sinh THPT là dân tộc thiểu số hoặc là dân tộc kinh được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP.
Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 116/2016/NĐ-CP có quy định điều kiện học sinh THPT được hưởng chính sách hỗ trợ, cụ thể như sau:
Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số, phải bảo đảm các điều kiện sau:
- Đang học tại trường trung học phổ thông hoặc cấp trung học phổ thông tại trường phổ thông có nhiều cấp học.
- Bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
- Nhà ở xa trường khoảng cách từ 10 km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.
Theo các quy định trên thì học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số thì bản thân và bố mẹ hoặc người giám hộ phải có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, quy định này không bắt buộc học sinh phải cùng hộ khẩu với bố mẹ hoặc người giám hộ. Theo thông tin bạn cung cấp thì học sinh này chung khẩu với anh trai, nếu hộ khẩu thường trú của anh trai học sinh này vẫn ở khu vực III và bố mẹ của học sinh này cũng ở khu vực III thì vẫn đáp ứng điều kiện này. Tóm lại học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số phải đáp ứng 03 điều kiện trên thì mới được hưởng chính sách hỗ trợ.
Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc Kinh, ngoài các quy định đối với dân tộc thiểu số còn phải là nhân khẩu trong gia đình thuộc hộ nghèo (Khoản 3 Điều này).
Trân trọng!
Nguyễn Đăng Huy