Công chức nhà nước được hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp
Theo quy định tại Khoản 17 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 có quy định một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp như sau:
Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức uỷ quyền phải đáp ứng các điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 155 của Luật này.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có quy định: Cá nhân được phép hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;
- Hoạt động cho một tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Từ các căn cứ trên thì muốn kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thì người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức uỷ quyền phải đáp ứng các điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Cá nhân được phép hành nghề khi có Chứng chỉ hành nghề và hoạt động cho một tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 155 thì cá nhân đáp ứng các điều kiện sau đây thì được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp:
- Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Thường trú tại Việt Nam;
- Có bằng tốt nghiệp đại học;
- Đã trực tiếp làm công tác pháp luật về sở hữu công nghiệp liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm định các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về sở hữu công nghiệp liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã tốt nghiệp khoá đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
- Không phải là công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp;
- Đã đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.
Điểm đ quy định không phải là công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp thì mới được cấp Chứng chỉ hành nghề. Quy định này chỉ không cho phép công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp, công chức, viên chức khác thì hoàn toàn có thể được cấp Chứng chỉ hành nghề nếu đáp ứng đủ các điều kiện còn lại.
Vậy nên công chức, viên chức nhà nước vẫn có thể hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Trân trọng!
Nguyễn Đăng Huy