Cấp bao nhiêu giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội khi người lao động khám tại nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh?

Cho tôi hỏi, nếu lao động nữ mắc nhiều bệnh lý khác thì khi đi khám các bệnh này tại cùng một cơ sở trong ngày sẽ được cấp bao nhiêu giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội? Bị sản thai có được cấp giấy chứng nhận này không? Và người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh có thể ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội không?

Người lao động khám tại nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh được cấp bao nhiêu giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2023) nguyên tắc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội như sau:

Nguyên tắc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội
...
2. Một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai chuyên khoa trở lên của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.
Trường hợp người lao động khám nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với nhiều bệnh khác nhau thì chỉ cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và được giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với bệnh có chế độ cao nhất.
Trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo Chương trình Chống lao Quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động bị sẩy thai, phá thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà tuổi thai từ 13 tuần tuổi trở lên thì thời gian nghỉ tối đa theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội nhưng không quá 50 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Vậy, người lao động khi khám nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với nhiều bệnh khác nhau thì chỉ cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và được giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với bệnh có chế độ cao nhất.

lao động nữ khám bệnh

Người lao động khám tại nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh được cấp bao nhiêu giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội? (Hình từ Internet)

Lao động nữ mang thai đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong trường hợp điều trị ngoại trú có được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định về việc thực hiện cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai như sau:

Cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai
...
3. Việc chứng nhận nghỉ dưỡng thai thực hiện như sau:
a) Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này đối với đối tượng là lao động nữ mang thai đã nghỉ việc trong trường hợp điều trị ngoại trú;
b) Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này đối với đối tượng là lao động nữ mang thai đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong trường hợp điều trị ngoại trú;
c) Biên bản giám định y khoa thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư số 52/2016/TT-BYT đối với trường hợp do Hội đồng Giám định y khoa cấp;
d) Giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này.

Theo quy định nói trên, với đối tượng là lao động nữ mang thai đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong trường hợp điều trị ngoại trú sẽ được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Xem chi tiết về mẫu và hướng dẫn ghi Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội Tại đây

Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có được quyền ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội không?

Căn cứ khoản 3 Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội như sau:

Nguyên tắc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội
...
3. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là pháp nhân thì người hành nghề phải đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Vậy, người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là pháp nhân thì người hành nghề phải đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

Trần Thúy Nhàn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào