Mở tiệm cầm đồ phải đăng ký thường trú ở địa phương đúng không?
Theo Khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2020/NĐ-CP thì Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Điều 9 Nghị định 96/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện về an ninh, trật tự đối với kinh doanh dịch vụ cầm đồ như sau:
Ngoài điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đáp ứng điều kiện sau đây:
Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản.
Theo quy định này thì người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của tiệm cầm đồ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh của tiệm.
Mà theo Khoản 5 Điều 4 Nghị định 96/2020/NĐ-CP giải thích: Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh là:
- Người đại diện theo pháp luật, người quản lý cơ sở kinh doanh, chủ cơ sở kinh doanh có tên trong các văn bản quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định này;
- Người được những người quy định tại điểm a khoản này ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Như vậy, tuy bạn không có hộ khẩu thường trú ở quận 7 nhưng vẫn có thể mở tiệm cầm đồ ở quận 7 nếu bạn ủy quyền cho 1 người khác đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Người này có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại phường 6 quận 7. Đồng thời trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh thì người này không bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi đã được quy định.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật