Thủ tục công nhận liệt sĩ cho thương binh chết do vết thương tái phát?
1. Cơ sở pháp lý:
Nghị định 31/2013/NĐ-CP
Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH
2. Điều kiện xác nhận liệt sĩ:
Theo điểm i Khoản 1 Điều 17 Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định một trong những trường hợp được xác nhận là liệt sĩ:
Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị chết do vết thương tái phát (không áp dụng đối với thương binh loại B) trong các trường hợp sau:
- Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của cơ sở y tế.
- Suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên;
Như vậy nếu thuộc một trong hai trường hợp này thì sẽ được xác nhận là liệt sĩ.
3. Hồ sơ xác nhận liệt sĩ:
(Điều 3 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH)
- Giấy báo tử (Mẫu LS1).
- Giấy tờ làm căn cứ cấp giấy báo tử.
Theo khoản 8 Điều 4 quy định căn cứ cấp giấy báo tử trong trường hợp chết quy định tại điểm i Khoản 1 Điều 17 Nghị định 31/2013/NĐ-CP:
+ Thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên phải có giấy xác nhận chết do vết thương tái phát của cơ sở y tế kèm hồ sơ thương binh;
+ Thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% phải có Bệnh án điều trị (bản sao) và biên bản kiểm thảo tử vong do vết thương tái phát của Giám đốc bệnh viện cấp huyện trở lên kèm hồ sơ thương binh.
4. Thủ tục xác nhận liệt sĩ:
Theo Điều 5 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH quy định thủ tục xác nhận liệt sỹ như sau:
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh có trách nhiệm xác lập, hoàn thiện các giấy tờ theo quy định và gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định 31/2013/NĐ-CP:
+ Người hy sinh là quân nhân, công nhân viên quốc phòng do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên;
+ Người hy sinh là công an nhân dân, công nhân viên công an nhân dân do Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc cấp tương đương trở lên;
+ Người hy sinh thuộc cơ quan trung ương do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương;
+ Người hy sinh thuộc cơ quan cấp tỉnh quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Người hy sinh thuộc cơ quan cấp huyện hoặc cấp xã và các trường hợp đóng trên địa bàn không thuộc quy định tại Điểm a, b, c, d Khoản này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm: Kiểm tra, xác minh, cấp giấy báo tử và chuyển hồ sơ xác nhận liệt sĩ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra và có văn bản đề nghị kèm hồ sơ gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thẩm định.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
+ Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, lập tờ trình và danh sách kèm theo trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”;
+ Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận Bằng “Tổ quốc ghi công”, có trách nhiệm chuyển hồ sơ kèm Bằng “Tổ quốc ghi công” đến cơ quan đề nghị thẩm định để trả về cơ quan, đơn vị cấp giấy báo tử.
- Cơ quan, đơn vị cấp giấy báo tử trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” và hồ sơ, có trách nhiệm thông báo cho thân nhân liệt sĩ và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thân nhân liệt sĩ cư trú tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ, trao Bằng “Tổ quốc ghi công”, sau đó bàn giao hồ sơ xác nhận liệt sĩ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi gia đình liệt sĩ cư trú để thực hiện chế độ.
Trân trọng!
Nguyễn Đăng Huy