Phòng khám đa khoa có là cơ sở thực hành theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh có đúng không?
Theo Điểm d Khoản 1 Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì điều dưỡng viên, kỹ thuật viên phải có thời gian 09 tháng thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Khoản 7 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở cố định hoặc lưu động đã được cấp giấy phép hoạt động và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Khoản 7 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động hoạt động đối với phòng khám đa khoa như sau:
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 23a Nghị định này, phòng khám đa khoa phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:
* Quy mô phòng khám đa khoa:
- Có ít nhất 02 trong 04 chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi;
- Có bộ phận cận lâm sàng (xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh).
* Cơ sở vật chất: Có phòng cấp cứu, phòng lưu người bệnh, phòng khám chuyên khoa và phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu). Các phòng khám trong phòng khám đa khoa phải có đủ diện tích để thực hiện kỹ thuật chuyên môn.
* Thiết bị y tế: Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.
* Nhân sự:
Số lượng bác sỹ khám bệnh, chữa bệnh hành nghề cơ hữu phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số bác sỹ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của phòng khám đa khoa. Người phụ trách các phòng khám chuyên khoa và bộ phận cận lâm sàng (xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh) thuộc Phòng khám đa khoa phải là người làm việc cơ hữu tại phòng khám.
Như vậy chỉ những phòng khám đa khoa đáp ứng các điều kiện nêu trên thì được cấp giấy phép hoạt động và được xác định là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (cơ sở thực hành) theo quy định.
Trường hợp những phòng khám đa khoa không đáp ứng các điều kiện nêu trên sẽ không được cấp giấy phép hoạt động và không được coi là cơ sở thực hành.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật