Người tốt nghiệp đại học và cao đẳng hưởng lương tối thiểu vùng giống nhau đúng không?
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng với 4 vùng như sau:
- Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
- Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
- Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
- Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Mà theo Điều 5 Nghị định này thì: Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
- Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;
- Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo.
Người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề bao gồm: Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục năm 2005.
=> Theo quy định này thì người tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng đều có được xác định là người lao động đã qua học nghề, đào tạo.
Do đó mức lương tối thiểu vùng được áp dụng với 2 đối tượng này được trả phải đảm bảo cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng so với lao động thường.
Mà theo Phụ lục danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 01/01/2020 Ban hành kèm theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định thì:
- Vùng I gồm có các quận và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội.
- Vùng II, gồm các huyện còn lại thuộc thành phố Hà Nội.
Do bạn cung cấp thông tin chưa cụ thể 2 bạn làm việc ở quận, huyện nào của Hà Nội nên nếu 2 bạn làm việc tại quận, huyện thuộc 1 vùng thì có lương tối thiểu vùng như nhau. Trường hợp làm khác vùng thì lương tối thiểu vùng khác nhau.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật