Việc cấp bản sao bằng đại học được quy định ra sao?
Căn cứ theo Quy định tại Khoản 1 Điều 30 Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân Ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT thì bạn có quyền yêu cầu được cấp bản sao văn bằng và Căn cứ theo Điểm d Khoản 2 Điều 5 Quy chế này thì thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng có trách nhiệm cấp bản sao của văn bằng.
Do đó nhà trường là cơ quan cấp văn bằng cho bạn có trách nhiệm phải cấp bản sao cho bạn khi bạn có yêu cầu.
Cho nên, việc nhà trường từ chối cấp bản sao bằng tốt nghiệp và nói thay bằng giấy chứng nhận văn bằng là trái quy định pháp luật. Bạn có thể khiếu nại hành vi này lên Hiệu trưởng nhà trường để được giải quyết.
Về giá trị của bản sao được quy định tại Khoản 1 Điều 28 Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT thì bản sao văn bằng có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định phải dùng bản gốc.
Về công chứng thì hình thức photo từ bản chính ra bản phụ sẽ thực hiện thủ tục chứng thực chứ không sử dụng công chứng. Tuy nhiên việc chứng thực được quy định tại Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì “bản sao” được hiểu là là bản chụp từ bản chính hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.
Và việc chứng thực thì được thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính do đó bạn cần phải có bản chính thì mới có thể chứng thực được và không thể tiến hành chứng thực từ bản sao do nhà trường cung cấp ra bản sao do bạn photo.
Trên đây là nội dung Ban biên tập gửi đến bạn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật