Hiệu lực pháp luật của giao dịch dân sự do người hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập
Tại khoản 2 Điều 23 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày".
Điều 130 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng quy định: "Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện".
Theo các quy định nêu trên, việc con trai chị M, người đã bị tòa án tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, tham gia giao dịch mua bán xe máy (mặc dù giấy đăng ký xe máy do cháu đứng tên), không có sự đồng ý của chị M, là trái quy định của pháp luật. Vì vậy, chị M có thể yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu.
Hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu được giải quyết theo quy định tại Điều 137 Bộ luật dân sự năm 2005 như sau: "Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường".
Thư Viện Pháp Luật