Bị gửi đơn đến cơ quan vì không có khả năng trả nợ có bị kỷ luật?
Theo thông tin bạn cung cấp chúng tôi không thể biết bạn thuộc đối tượng là cán bộ, công chức hay viên chức do đó chúng tôi tư vấn trường hợp của bạn như sau:
1. Về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
*Đối với công chức có các hình thức xử lý kỷ luật (Khoản 1 Điều 79 Luật cán bộ công chức 2008)
Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây
- Khiển trách;
- Cảnh cáo;
- Hạ bậc lương;
- Giáng chức;
- Cách chức;
- Buộc thôi việc.
Điều 3 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định xử lý kỷ luật công chức theo đó công chức khi vi phạm các hành vi sau đây thì bị xử lý kỷ luật:
- Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức.
- Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
- Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
*Đối với cán bộ các hình thức xử lý kỷ luật (Khoản 1 Điều 78 Luật cán bộ công chức 2008) như sau:
Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
- Khiển trách;
- Cảnh cáo;
- Cách chức;
- Bãi nhiệm.
Cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.
*Đối với viên chức các hình thức xử lý kỷ luật (Khoản 1 Điều 52 Luật viên chức 2010)
Viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:
- Khiển trách;
- Cảnh cáo;
- Cách chức;
- Buộc thôi việc.
Theo Điều 4 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định các hành vi xử lý kỷ luật đối với viên chức như sau:
- Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật viên chức;
- Vi phạm các nghĩa vụ khác cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập;
- Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật;
- Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, thông thường với việc bạn không thực hiện nghĩa vụ vay bạn chỉ chịu trách nhiệm dân sự nên bạn sẽ không bị xử lý kỷ luật trong trường hợp này.
Còn nếu việc bạn không thực hiện nghĩa vụ vay mà xét thấy có dấu hiệu tội phạm thì có thể khởi tối bạn theo trình tự Tố tụng Hình sự lúc đó có thể bạn bị Tòa án kết án bằng 1 bản án thì bạn sẽ bị xử lý kỷ luật.
2. Về mặt Đảng
Căn cứ theo Quy định 10-QĐ/TW năm 2017 quy định về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm trong đó không có quy định về việc Đảng viên vay nợ sẽ bị kỷ luật do không có khả năng trả lãi
Chính vì vậy đây là quan hệ dân sự tranh chấp hợp đồng vay giữa bạn và bên cho vay điều này không ảnh hưởng đến việc bạn bị kỷ luật tại cơ quan đơn vị hay về mặt Đảng do không thuộc các hành vi bị cấm và xử kỷ luật của theo các quy định trên.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật