Sang tên phương tiện thủy nội địa cần những giấy tờ gì?
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 1 Thông tư 75/2014/TT-BGTVT quy định phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 01 tấn của tổ chức, cá nhân đưa vào hoạt động trên đường thủy nội địa phải thực hiện đang ký theo quy định của Thông tư này. Phương tiện của bạn có tải trọng lên đến 20 tấn do đó thuộc đổi tượng phải đăng ký theo quy định của Thông tư 75/2014/TT-BGTVT.
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 8 Thông tư 75/2014/TT-BGTVT đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn sẽ do Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đăng ký.
Do đó cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký là Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang hồ sơ được quy định tại Điều 15 Thông tư 75/2014/TT-BGTVT gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị đăng ký phương tiện thủy nội địa theo quy định tại Mẫu số 7 – Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 75/2014/TT-BGTVT.
- 02 (hai) ảnh có kích thước 10 x 15 cm chụp toàn bộ mạn phải của phương tiện ở trạng thái nổi;
- Hồ sơ gốc còn dấu niêm phong, thành phần hồ sơ gốc ứng với từng trường hợp đăng ký đã được cơ quan đăng ký phương tiện cấp trước đó;
- Biên lai nộp lệ phí trước bạ (bản chính), đối với phương tiện thuộc diện phải nộp lệ phí trước bạ.
Chuẩn bị các loại giấy tờ sau để xuất trình cho cơ quan đăng ký phương tiện kiểm tra:
- Hợp đồng mua bán phương tiện. Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức, cá nhân nước ngoài đứng tên đăng ký lại phương tiện thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh được phép hoạt động và có trụ sở tại Việt Nam hoặc giấy tờ chứng minh được phép cư trú tại Việt Nam;
- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện còn hiệu lực đối với phương tiện thuộc diện đăng kiểm.
Căn cứ vào biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực đường thủy nội địa ban hành kèm theo Thông tư 198/2016/TT-BTC thì lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện thủy nội địa là 70.000 đồng/giấy.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập gửi đến bạn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật