Năm sinh ở sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai thì phải làm sao?
Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì giá trị pháp lý của giấy khai sinh được quy định như sau:
Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
Do đó bạn sẽ dùng Giấy khai sinh làm chuẩn để so sánh với các loại giấy tờ khác.
*Đối với trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lệch về năm sinh so với giấy khai sinh thì:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 86 Nghị định 43/2014/NĐ-CP Quy định về thủ tục đính chính Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp như sau:
“1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính.
Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.”
Do đó bạn sẽ nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sai sót lại cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính.
Về hồ sơ bạn phải chuẩn bị để thực hiện thủ tục đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT như sau:
- Đơn đề nghị đính chính đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản phát hiện sai sót trên Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
Như vậy, khi phát hiện phần năm sinh chủ sử dụng có sai sót, người sử dụng đất làm đơn đề nghị đính chính gửi tới Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp quận, huyện, kèm theo đơn là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy tờ khác chứng minh thông tin có sai lệch (thông thường thì cần nộp Giấy khai sinh, CMND, hộ khẩu) để đề nghị giải quyết.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
*Đối với trường hợp Sổ hộ khẩu lệch về năm sinh so với giấy khai sinh thì:
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 29 Luật Cư trú 2006 quy định các trường hợp điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu như sau:
Trường hợp có thay đổi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của người có tên trong sổ hộ khẩu thì chủ hộ hoặc người có thay đổi hoặc người được uỷ quyền phải làm thủ tục điều chỉnh. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc quyết định được phép thay đổi của cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
Theo quy định trên thì khi có sự sai lệch về năm sinh thì được phép điều chỉnh và thủ tục điều chỉnh được quy định tại Điểm 1, Điều 12 Thông tư 35/2014/TT-BCA.
Hồ sơ gồm:
- Phiếu báo thay đổi thông tin hộ khẩu;
- Sổ hộ khẩu (bản gốc);
- Giấy tờ và tài liệu chứng minh thông tin thay đổi: Giấy khi sinh bản gốc.
Nơi nộp hồ sơ:
- Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.
- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã thành phố thuộc tỉnh.
Về thời hạn giải quyết:
- Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải thông báo cho tàng thư căn cước công dân và Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người có thay đổi.
- Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh có trách nhiệm chuyển hồ sơ điều chỉnh, bổ sung cho Công an huyện lưu tàng thư hồ sơ hộ khẩu. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Công an huyện phải thông báo cho tàng thư căn cước công dân.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập gửi đến bạn!
Thư Viện Pháp Luật