Giải quyết thắc mắc về chi phí đầu tư vào đất còn lại
1. Tại Khoản 2 Điều 6 quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (ban hành kèm theo Quyết định số 2380/2010/QĐ-UBND ngày 21/12/2010 của UBND tỉnh Ninh Thuận) có quy định: “Chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phí thực tế người sử dụng đất đã đầu tư vào đất để sử dụng theo mục đích được phép sử dụng bao gồm: tiền thuê đất trả trước còn lại, chi phí san lấp mặt bằng và một số chi phí khác liên quan trực tiếp có căn cứ chứng minh đã đầu tư vào đất mà đến thời điểm nhà nước thu hồi đất còn chưa thu hồi được. Các khoản chi phí đầu tư vào đất phải có đầy đủ hồ sơ, chứng từ, thực tế chứng minh. Chi phí đầu tư vào đất còn lại được xác định bằng tổng chi phí thực tế hợp lý tính thành tiền đã đầu tư vào đất trừ đi số tiền đầu tư phân bổ cho thời gian đã sử dụng đất.
2. Các khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại gồm: tiền sử dụng đất của thời hạn chưa sử dụng đất trong trường hợp giao đất có thời hạn, tiền thuê đất đã nộp trước cho thời hạn chưa sử dụng đất (có chứng từ hoá đơn nộp tiền); các khoản chi phí san lấp mặt bằng, chi phí tôn tạo đất được giao, được thuê và phù hợp với mục đích sử dụng đất (trường hợp thu hồi đất mà đã được bồi thường về đất thì không được bồi thường chi phí san lấp mặt bằng, chi phí tôn tạo đất); các khoản chi phí khác có liên quan. Đối với những trường hợp đủ cơ sở xác định thực tế có chi phí đầu tư vào đất nhưng người sử dụng đất không còn lưu giữ hồ sơ, chứng từ về chi phí đã đầu tư vào đất thì được hỗ trợ 50% giá trị thực tế.
3. Tổ chức thực hiện bồi thường tiến hành kiểm kê, xác định khối lượng bị thiệt hại, lập hồ sơ gửi cơ quan Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND cùng cấp phê duyệt từng trường hợp cụ thể. Điều này đòi hỏi các tổ chức thực hiện việc bồi thường (Trung tâm phát triển quỹ đất hoặc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư cấp huyện) phải lập hồ sơ kiểm kê xác định cụ thể khối lượng có liên quan đến giá trị thực tế về chi phí đã đầu tư vào đất, đồng thời xác định khối lượng, giá trị đã sử dụng hoặc bị thiệt hại để tính đúng, đủ giá trị chi phí còn lại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cụ thể.
4. Việc hỗ trợ 50% giá trị thực tế là thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và phù hợp với thực tế địa phương.
Thư Viện Pháp Luật