Con ngoài giá thú, con ruột có được nhận thừa kế như nhau không?
Bố bạn mất trước khi mẹ đứng tên thừa kế tài sản từ mẹ nuôi. Do đó, phần tài sản mà mẹ bạn nhận được từ mẹ nuôi là tài sản riêng.
Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
- Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
=> Do bố bạn mất trước khi mẹ đứng tên thừa kế tài sản từ mẹ nuôi (tức là mất trước thời điểm mở thừa kế) nên sẽ không được nhận thừa kế phần di sản của mẹ bạn để lại.
Trường hợp của bạn, mẹ bạn mất không có di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
=> Quy định này không phân biệt quyền thừa kế theo pháp luật của con trong giá thú hay ngoài giá thú đối với di sản của mẹ. Vì vậy, nếu người con trai ngoài giá thú của mẹ bạn có đầy đủ chứng cứ để chứng minh anh ta là con của bà với một người đàn ông không có hôn thú thì vẫn được pháp luật bảo vệ quyền được hưởng thừa kế.
Khoản 2 Điều 651 Bộ luật này có quy định:
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Do chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của mẹ bạn không còn nên khi mẹ bạn mất, di sản thừa kế sẽ được chia đều cho 2 người con là bạn và người con trai ngoài giá thú của mẹ. Như vậy, 2 người sẽ được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau và bằng ½ di sản mà mẹ để lại.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật